KĨ THUẬT ĐIỀU TRỊ BỆNH CHƯỚNG BỤNG ĐẦY HƠI VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH.
* Nguyên nhân:
– Do hươu ăn phải thức ăn kém phẩm chất, như lá cỏ bị thối, mốc, hoặc lá cỏ tươi còn ướt nước .
– Do hươu ăn nhanh quá hay no quá, nhất là ăn no xong lại vận động ngay.
– Do thay đổi thức ăn đột ngột, từ thức ăn tươi chuyển sang thức ăn khô, hoặc cho ăn no đói thất thường.
– Thời tiết thay đổi đột ngột, nhất là những khi trời có giông bão cũng là nguyên nhân làm cho bệnh dễ phát
* Triệu chứng:
Hươu bỏ ăn, không nhai lại, đi lại chậm chạp, lờ đờ. Nếu nặng thì đi loạng choạng, mắt đỏ ngầu. Nguyên nhân: do thức ăn trong dạ cỏ lên men nhanh, sinh ra nhiều hơi, làm bụng phình chướng lên về phía bên trái (phồng cao hơn cả mõm xương hông). Nếu lấy ngón tay gõ vào vùng bụng này ta sẽ nghe như tiếng trống. Trực tràng đầy phân. Dạ cỏ mất phản xạ co bóp, ngày càng chướng to ép lên cơ hoành, gây rối loạn tuần hoàn. Con vật thở rất khó khăn: 2 lỗ mũi nở to, mạch nhanh, cổ cứng đờ. Bệnh nặng hơn nữa thì hươu sùi bọt mép, ra mồ hôi đầm đìa, mạch yếu dần, rồi chết vì ngạt thở.
*Điều trị:
Phải rất nhanh giúp cho hươu tống hơi ở dạ cỏ ra ngoài. Các cách như sau:
– Làm cho vật ợ hơi: Lấy rơm hoặc bì gai chấm rượu gừng hay dầu hoả chà xát lâu và mạnh vào hông bên trái. Dùng que quấn giẻ ngoáy mồm kích thích hươu ợ hơi ra ngoài.
– Cho uống 30 gam Na2SO4 hay nước sắc các lá như bạc hà, tía tô, lá khế dạ nát vắt lấy nước cho hươu uống. Cũng có thể dùng hạt cây thì là sắc cho hươu uống hoặc cho uống nước dưa chua…
– Lấy 5 gam bồ kết nướng vàng, tán nhỏ và thổi vào hậu môn và lỗ mũi làm cho hươu đại tiện và hắt hơi dễ dàng.
Nếu hươu bị quá nặng, loạng choạng và ngã, sùi bọt mép thì phải dùng dùi “Troca” để chọc thủng dạ cỏ. Chỗ chọc dùi là điểm giữa của một hình tam giác ở hông bên trái mà một cạnh là xương sườn cuối cùng, một cạnh là xương sống vùng thận.
Trường hợp không có dùi “Troca” thì dùng kim thông dạ cỏ hay dao díp cũng được. Trong giai đoạn chữa bệnh cần cho hươu ăn những thức ăn dễ tiêu.
* Phòng bệnh:
Không cho hươu ăn những thức ăn kém phẩm chất, không cho ăn quá no và sau khi ăn cần tránh cho vận động quá mức. Không cho ăn lá, cỏ ướt nhiều. Thành phần và khối lượng thức ăn cần thay đổi dần dần tránh đột ngột.
P/s : Bài viết dựa trên kinh nghiệm cá nhân, rất mong nhận được sự góp ý từ các bạn đọc để chúng ta có trải nghiệm thêm nhiều góc nhìn đa chiều hơn, nếu thấy hay thì CHIA SẺ để cùng nhau học hỏi nhé !